38 online
389.409 người đã truy cập
(16/11/2016)
Trong những năm gần đây tình hình cháy, nổ diễn ra ngày càng phức tạp, số vụ cháy liên quan đến công trình có dạng nhà ống ngày càng gia tăng về số lượng lẫn thiệt hại. Để các đơn vị chủ động và nâng cao hiệu quả công tác chữa cháy, giảm thiệt hại do cháy gây ra, Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội thông báo một số lưu ý đối với công tác chữa cháy công trình có dạng nhà ống.
MỘT SỐ LƯU Ý TRONG CÔNG TÁC CHỮA CHÁY NHÀ ỐNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
I. Đặc điểm kiến trúc công trình có dạng nhà ống.
Nhà ống được biết đến và xuất hiện đầu tiên tại Hà Nội vào khoảng thế kỷ XIX – XX và là một nét đặc trưng của khu phố cổ Hà Nội, khu 36 phố phường. Nhà ống được hình thành và phát triển theo sự hình thành của các con đường nối giữa các thôn, xóm, phường, xã…, các ngôi nhà này được xây dựng bám theo hai bên đường để thuận tiện phục vụ buôn bán, sinh hoạt của người dân. Các nhà ống đầu tiên của khu phố cổ thường là loại nhà ống chung tường, có chiều rộng chỉ khoảng 2 - 4m và dài từ 20m đến 50m, 60m, chiều rộng nhà bằng một gian và phát triển dần theo chiều dài và ở giữa có một đến hai sân trong. Theo thời gian phát triển, nhà ống hiện nay đã thay đổi nhiều và phổ biến là dạng nhà chia lô (dạng ống) có chiều rộng chỉ từ 20% đến 30% so với trước đây và không có sân ở giữa.
- Với xu hướng phát triển và đô thị hóa như hiện nay thì nhà ống không chỉ hình thành và phổ biến tại các quận nội thành, các khu đô thị mà ngay thậm trí đến các vùng nông thôn (có diện tích đất rộng) người dân cũng xây dựng nhà ở theo mô hình này. Theo dự báo của những chuyên gia nghiên cứu về quy hoạch, do tài nguyên đất đai chỉ có hạn, dân số có xu hướng ngày càng tăng, đất là một tài sản có giá trị nên xu hướng xây dựng nhà chia lô (nhà ống) sẽ càng phổ biến từ thành thị đến nông thôn. Mặt khác nếu chúng ta nhìn vào quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư mới được phê duyệt hiện nay thì hầu hết dự án nào cũng có các nhà chia lô (dạng ống).
- Công trình có dạng nhà ống thường được sử dụng vào 2 mục đích sau:
+ Làm nhà ở.
+ Làm văn phòng, khách sạn, nhà nghỉ, quán karaoke, massage, kinh doanh, sản xuất, trường mầm non…
- Đặc điểm kiến trúc của công trình có dạng nhà ống:
+ Nhà thường có chiều rộng từ khoảng 3 đến 6m, chiều dài từ 8 đến 20m, cá biệt có những ngôi nhà diện tích nhỏ hơn 10m2 (chiều rộng 1-2m, chiều dài 3-5m); có 1 mặt tiền quay ra đường (chỉ có 01 mặt tiếp cận được), nhiều ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ (chỉ rộng khoảng 1m, ngõ sâu 200m đến 300m).
+ Do diện tích của ngôi nhà không lớn nên kiến trúc của ngôi nhà thường xây từ 3 tầng trở lên; lối ra vào chỉ bố trí duy nhất 01 cửa tại tầng 1, cửa này thường quay ra đường và lắp đặt rất kiên cố bằng cửa cuốn, cửa sắt, tại tầng 1 thường bố trí làm nơi bán hàng hoặc để xe, nơi đun nấu, ăn uống.
+ Giao thông đi lại trong ngôi nhà theo trục đứng thường là cầu thang bộ để hở, bậc thang hình rẻ quạt hoặc thang xoắn ốc có chiều rộng vế thang nhỏ, từ tầng 2 trở lên thường bố trí 01 đến 02 phòng với các công năng chủ yếu để ở hoặc kinh doanh bán hàng, làm phòng hát karaoke…;
+ Tại tầng tum (mái) bố trí sân thượng, thông thoáng để trồng cây và phơi quần áo nhưng thường bố trí cửa ra rất kiên cố, cá biệt nhiều ngôi nhà hiện nay còn cải tạo thành phòng kín, không có lối ra ngoài, không có khoảng sân thông thoáng.
+ Ba mặt của nhà thường là tường đặc (tiếp giáp với các nhà xung quanh), chỉ còn 01 mặt trước của nhà có thể mở được cửa sổ, do vậy khả năng thông gió, đối lưu không khí hoặc thoát khói khi có cháy của các ngôi nhà này thường rất hạn chế. Cá biệt nhiều ngôi nhà thường tận dụng mặt tiền để đặt các biển quảng cáo che kín ban công, cửa sổ hoặc xây kín không có ban công cửa sổ để làm kinh doanh, dịch vụ; một số nhà có ban công thì do lo ngại vấn đề an ninh người dân cũng bố trí lồng sắt bao quanh ban công.
+ Các nhà ống thường xây thành dãy, sát nhau đặc biệt có nhiều nhà còn sử dụng tường chung để ngăn cách với nhau, do vậy khi xảy ra cháy ở một nhà sẽ dễ lan sang các nhà bên cạnh do bức xạ nhiệt hoặc lan qua các biển quảng cáo phía trước của ngôi nhà.
Với những đặc điểm trên của công trình có dạng nhà ống sẽ gây khó khăn đối với công tác PCCC trong việc phòng ngừa, thoát nạn và chữa cháy khi xảy ra sự cố.
II. Đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ và giải pháp an toàn PCCC đối với công trình có dạng nhà ống.
1. Đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ đối với dạng công trình có dạng nhà ống sử dụng để ở.
- Do các công trình có dạng nhà ống thường có diện tích không lớn nên khi thiết kế, xây dựng ngôi nhà thường không có lối ra thoát nạn an toàn (chỉ có duy nhất 01 cầu thang bộ bên trong nhà để hở, thang bộ này cũng không đảm bảo chiều rộng, thường có bậc thang hình rẻ quạt và không kín để có thể ngăn được khói do vậy khi có cháy khói sẽ theo đường thang bộ này lên tất cả các tầng). Mặt khác tại tầng 1 cũng thường chỉ có duy nhất 01 cửa chính ở mặt tiền của ngôi nhà dùng để thoát nạn ra ngoài, cửa này thường làm rất kiên cố, trước lối ra cửa này thường bố trí các vật dụng như bàn ghế, xe máy, xe ô tô nên nếu xảy ra sự cố vào ban đêm hoặc khi trong nhà không có người (đóng cửa) thì sẽ rất khó mở được cửa để thoát nạn và chữa cháy.
- Ban công, lôgia các tầng (thường chỉ có ở mặt trước của nhà), người dân thường làm lồng sắt, hoặc xây kín (không có ban công) dẫn đến không có lối ra khẩn cấp và các vị trí lánh nạn tạm thời chờ lực lượng cứu hộ ứng cứu.
- Tầng 1 thường bố trí để xe máy, ô tô, phòng bếp (sử dụng đun nấu gas), các vật dụng dễ cháy khác và các thiết bị tiêu thụ điện thường xuyên như tủ lạnh, tivi, quạt trần…, đây là nơi có nguy cơ phát sinh cháy nổ cao nhất trong ngôi nhà nhưng cũng là lối thoát nạn duy nhất ra khỏi ngôi nhà. Cá biệt có những nhà dân tận dụng tầng 1 làm nơi bán hàng tạp hóa, kinh doanh các hàng hóa dễ cháy khác như xăng dầu, gas chiếm hết các lối đi do vậy khi xảy ra sự cố tại tầng này thì người bên trong ngôi nhà rất khó khăn để thoát nạn.
- Cửa ra mái của ngôi nhà cũng thường được khóa và làm kiên cố, một số ngôi nhà tận dụng tầng mái làm các phòng ở (không còn lối ra mái để có thể sang được nhà bên cạnh).
- Nhiều ngôi nhà ở trong các con hẻm, ngõ sâu, cột điện, đường dây điện, biển quảng cáo chằng chịt che hết các ban công, lô gia nên khi xảy ra sự cố lực lượng chữa cháy rất khó khăn trong việc tiếp cận, triển khai cứu nạn và chữa cháy.
- Nhiều ngôi nhà thường sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần; hệ thống điện trong nhà thường đi đường dây dẫn điện và tự đấu nối thêm thiết bị tiêu thụ điện không đúng quy cách; đường dây dẫn điện đã sử dụng lâu hoặc dây không đảm bảo so với công suất sử dụng nhưng không thay thế; để các ổ cắm điện, thiết bị điện phát sinh nguồn nhiệt cao (sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy…) gần chất liệu dễ cháy như màn, rèm…
- Nhiều hộ dân bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý, mặt tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ làm bằng vật liệu dễ cháy. Đèn, hương, nến đặt trên, gần các vật dễ cháy và dự trữ nhiều vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ hoặc khi đốt vàng mã không có người trông coi, che chắn để xảy ra cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.
- Nơi đun nấu cũng không có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Khi dùng bếp gas cũng không thường xuyên kiểm tra và có biện pháp chống chuột, côn trùng cắn thủng ống dẫn gas, hoặc khi đun nấu không có người trông coi, sử dụng bếp xong quên tắt bếp và đóng van bình gas lại, không trang bị thiết bị báo rò gas. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ không kiểm tra lại nơi đun nấu, nơi thờ cúng, không tắt các thiết bị điện không cần thiết.
- Trong nhà không trang bị các phương tiện chữa cháy tối thiểu như bình chữa cháy, dụng cụ trữ nước, dụng cụ phá dỡ và mọi người trong gia đình không được trang bị những kỹ năng an toàn sống khi có những tình huống bất ngờ, sự cố cháy, nổ xảy ra.
2. Đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ đối công trình có dạng nhà ống sử dụng làm văn phòng, khách sạn, nhà nghỉ, karaoke, massage, trường mầm non.
Để tăng thêm thu nhập và tận dụng được vị trí mặt tiền kinh doanh, hiện nay một số người dân xây dựng các công trình có dạng nhà ống để làm mục đích cho thuê văn phòng, nhà nghỉ, khách sạn, karaoke… đặc biệt có một số nhà trước đây đã xây dựng làm nhà ở nay cho thuê, cải tạo, sửa chữa thành nhà nghỉ, khách sạn, karaoke… Các ngôi nhà này do có diện tích không lớn và bố trí kiến trúc công trình tương tự như nhà ống dùng để ở, do đó cũng có đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ tương tự như nhà ống để ở. Ngoài ra còn một số đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ sau:
- Hầu hết khi xây mới, cải tạo sửa chữa chủ nhà thường không nhận thức hết được tầm quan trọng, những hiểm họa về cháy, nổ nên không có biện pháp, giải pháp về PCCC cho công trình của mình.
- Với công năng để kinh doanh thì thường các ngôi nhà này là nơi tập trung đông người (kinh doanh karaoke, khách sạn, làm trường mầm non… vào giờ cao điểm có thể lên đến 50 người), tuy nhiên đa phần các ngôi nhà này thường không có đủ 02 lối ra thoát nạn an toàn (chỉ có 01 thang bộ trong nhà để hở, không đặt trong buồng thang, bậc thang rẻ quạt không đảm bảo làm lối thoát nạn); ngoài không có lối ra thoát nạn an toàn đúng quy định, chủ nhà cũng không bố trí bổ sung các lối ra thoát nạn khẩn cấp như ống tụt, thang dây, dây thả chậm, thang sắt đứng (thang mèo),…
- Khu vực sân thượng, lối ra mái thường cải tạo biến thành các phòng hát, phòng nghỉ cho nhân viên không còn lối thoát nạn khẩn cấp để sang mái nhà bên cạnh.
- Các ban công, logia thường lắp đặt biển quảng cáo che kín mặt tiền của ngôi nhà, như tại các quán karaoke thường quây kín ban công, logia vào cùng phòng hát (không còn ban công, lôgia). Vật liệu chủ yếu làm biển quảng cáo được chế tạo từ nhựa – Mica, đồng thời lắp đặt một số lượng lớn đèn Led trên một diện tích nhỏ, việc lựa chọn thiết bị bảo vệ điện cho các đèn này không được chú trọng, quá trình lắp đặt đấu nối các thiết bị này thường không đúng theo tiêu chuẩn, quy định về PCCC. Đặc biệt các biển hiệu này thường lắp đặt thẳng và nối san sát nhau giữa các nhà nên khi xảy ra cháy ngọn lửa sẽ cháy lan rất nhanh lên các tầng và sang các biển quảng cáo khác của nhà bên cạnh dẫn đến thiệt hại lớn về người và tài sản.
- Tồn chứa lượng lớn các chất cháy như đệm mút, chăn màn, rèm, tủ gỗ, đặc biệt các quán Karaoke thường cải tạo, lắp đặt các vật dụng cách âm, cách nhiệt bằng các chất dễ cháy; trên tường nhà, tường của các gian phòng thường ốp các vách trang trí bằng gỗ (không phải bằng thạch cao) và lắp đặt các ổ điện, đèn trang trí trên các vách gỗ.
- Hệ thống điện: Lắp đặt dây dẫn điện không đảm bảo tiết diện theo tính toán của nhà sản xuất hoặc khi cải tạo sửa chữa vẫn tận dụng các dây dẫn điện sẵn có để sử dụng do vậy khi đấu nối thêm ổ cắm, các thiết bị tiêu thụ điện khác sẽ dẫn đến gây điện trở chuyển tiếp, quá tải; để các ổ cắm điện, thiết bị điện phát sinh nguồn nhiệt cao gần chất liệu dễ cháy như mút xốp trên tường, màn rèm….
- Là nơi tập trung đông người nhưng không trang bị giải pháp chống tụ khói theo quy định.
- Trong nhà đã trang bị các bình chữa cháy nhưng không đảm bảo về số lượng và chất lượng; không trang bị hệ thống báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, các phương tiện dụng cụ phá dỡ…, nhân viên tại đây thường chưa được tập huấn nghiệp vụ về PCCC để được trang bị những kỹ năng an toàn sống khi có những sự cố cháy, nổ xảy ra và không biết cách để sử dụng thành thạo các dụng cụ, phương tiện chữa cháy ban đầu đã trang bị.
III. Những điểm cần lưu ý trong công tác chữa cháy các công trình có dạng nhà ống.
Khi xảy ra cháy nổ đối với các công trình có dạng nhà ống với thực tế công tác tổ chức chỉ huy điều hành chữa cháy, CNCH trên địa bàn, cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội rút ra những kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả trong công tác tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ như sau:
1. Trinh sát đám cháy.
Tổ chức công tác trinh sát đám cháy phải được tiến hành ngay từ khi xe chữa cháy đầu tiên đến đám cháy. Nhanh chóng nhận định tình hình diễn biến của đám cháy và cho triển khai chiến đấu. Xác định xem có còn người bị kẹt lại trong đám cháy không; nếu còn thì vị trí của người bị nạn, các yếu tố của đám cháy tác động đến người bị nạn, mức độ nguy hiểm đối với họ, lối thoát nạn và phương pháp cứu người bị nạn ra sao? Xác định vị trí, diện tích của đám cháy, chất cháy chủ yếu, cũng như tốc độ và hướng lan truyền của ngọn lửa. Các thông số này phục vụ cho việc lựa chọn hướng quyết định các hoạt động chỉ huy chữa cháy, tính toán lực lượng phương tiện cần thiết để chữa cháy; làm rõ nguy cơ nổ, độc, sụp đổ cấu kiện xây dựng cũng như các yếu tố ở đám cháy có thể gây khó khăn nguy hiểm cho hoạt động của lực lượng chữa cháy ở đám cháy. Xác định sự cần thiết phải tháo dỡ cấu kiện xây dựng, vị trí tháo dỡ cấu kiện để tạo điều kiện chữa cháy, tổ chức thoát khói và ngăn chặn cháy lan. Đánh giá sự cần thiết phải tổ chức sơ tán tài sản, phương pháp và biện pháp bảo vệ tài sản tránh sự tác động bởi các yếu tố của đám cháy.
2. Triển khai chiến đấu
Khi tiến hành triển khai chiến đấu thì chỉ huy chữa cháy cần lưu ý:
- Nhanh chóng xác định hướng tấn công chính, vị trí thuận lợi để tập trung lực lượng phương tiện nhằm kịp thời khống chế, dập tắt đám cháy. Lựa chọn đúng hướng tấn công chính sẽ giúp chỉ huy chữa cháy chọn phương pháp và biện pháp chữa cháy phù hợp. Hướng tấn công chính là cơ sở để đề ra những kỹ chiến thuật, bố trí lực lượng, phương tiện để tổ chức chữa cháy.
- Các công trình có dạng nhà ống thường có 01 cầu thang bộ bên trong nhà, có 01 mặt tiếp giáp với đường giao thông 03 mặt còn lại là kín, vì vậy khi tổ chức chữa cháy công trình dạng nhà ống cần lưu ý việc triển khai các mũi chiến đấu theo các hướng như sau:
+ Thông qua cửa chính triển khai các mũi chiến đấu theo đường cầu thang bộ trong nhà để triển khai chữa cháy.
+ Thông qua các mặt thoáng của công trình. Chỉ huy chữa cháy căn cứ tình hình thực tế có thể sử dụng xe thang, xe cần vươn hoặc các loại thang để triển khai các mũi chiến đấu qua mặt thoáng phía trước, sau của công trình. Nếu mặt thoáng phía trước, sau của công trình bố trí các biển quảng cáo, lồng sắt bao quanh ban công thì nhanh chóng sử dụng các thiết bị phá dỡ (kìm, cưa, banh…) tháo dỡ các vật cản để triển khai các mũi chiến đấu. Ngoài ra có thể kiến thiết, triển khai đường vòi qua mái, ban công các công trình tiếp giáp để đưa các mũi chiến đấu tiếp cận điểm cháy trên các tầng của công trình bị cháy một cách thuận lợi, an toàn nhất cho công tác chữa cháy.
- Tổ chức thoát khói bằng các biện pháp mở cửa sổ, cửa tầng tum, triển khai các thiết bị chuyên dùng như máy hút hoặc đẩy khói, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chữa cháy.
- Giao thông bên ngoài các công trình có dạng nhà ống là các đường phố có chiều rộng không lớn, các xe chữa cháy và các phương tiện khác phục vụ công tác chữa cháy cần phải bố trí hợp lý để đảm bảo khả năng di chuyển của xe, phương tiện và tổ chức các đội hình chữa cháy khi cần thiết.
3. Công tác cứu người trong đám cháy
Trong công tác cứu người ở đám cháy tốt nhất là sử dụng lối ra vào chính bởi vì tiến hành công tác cứu người theo đường này không đòi hỏi các phương tiện chuyên dùng khác. Nếu đường thoát nạn này bị nhiễm khói thì phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp chống khói để đảm bảo công tác cứu người được an toàn.
Cửa sổ và ban công được sử dụng để cứu người khi cầu thang và lối ra vào chính bị lửa khói bao trùm. Trong trường hợp này các hoạt động cứu người phải sử dụng các phương tiện chuyên dùng (thang móc, dây cứu người, xe thang…) Sử dụng các phương tiện chuyên dùng để phá dỡ các lồng sắt, cửa sắt bảo vệ để có thể tiếp cận được cửa sổ, ban công.
Phải thường xuyên xem xét kiểm tra trạng thái hoạt động của các thiết bị chống khói (áp suất bình O2, đường ống dẫn, các van…) của nhóm cứu người trong suốt quá trình tiến hành công tác cứu người.